Một trong những sự kiện được rất nhiều nhà đầu tư, trader, Investor theo dõi đó là thời điểm công bố federal funds rate(Lãi suất quỹ liên bang). Khi lãi suất này được công bố tạo nên sự ảnh hưởng lớn và dây chuyền đến những yếu tố kinh tế trên toàn thế giới. Đây cũng là động thái tạo nên sự biến động lớn trên thị trường trái phiếu, cổ phiếu, chứng khoán, háng hóa… Vậy Federal funds rate là gì? Tại sao lãi suất này lại có ảnh hưởng lớn đến như vậy.
1. Federal funds rate là gì?
Federal funds rate(FFR) là lãi suất áp dụng trong hệ thống ngân hàng khi cho nhau vay trong thời gian 1 ngày nhằm đạt được yêu cầu về mức dự trữ bắt buộc của ngân hàng liên bang. FFR là công cụ tác động đến nền kinh tế nhằm để điều chỉnh lạm phát, tiêu dùng, cung cầu..
FFR xét cho cùng cũng là một loại phương tiện giúp chính phủ Mỹ có thể can thiệp vào nền kinh tế. Tạo nên nền tảng cho mức lãi suất, vay ngân hàng, thế chấp, những khoảng tín dụng khác… Đây là mức lãi cơ bản và nó chính là cơ sở để những ngân hàng khác dựa vào đó mà hoạt động.
2. Federal Funds Rate hình thành như thế nào?
Những tổ chức tài chính gửi tiền, giữ tiền được FED yêu cầu liên tục duy trì số tiền nhất định trong tài khoản của ngân hàng liên bang(tài khoản không tính lãi). Việc làm này nhằm để đảm bảo khả năng thanh toán của những tổ chức tài chính cho những hoạt động giao dịch khi khách hàng rút tiền, đảm bảo khả năng duy trì trong suốt thời gian hoạt động.
Số tiền được FED giữ lại sẽ chính là mức tối thiểu bắt buộc phải dự trữ của mỗi tổ chức tài chính. Con số này được tính dựa theo tỉ lệ % dựa trên tổng số tiền mà khách hàng gửi cho tổ chức đó.
Theo đó tại thời điểm cuối ngày, số dư của tài khoản này sẽ được dùng để xác nhận rằng tổ chức đó có thể đáp ứng được khả năng dự trữ không.
Trong trường hợp, các tổ chức tài chính, ngân hàng có số dư cuối ngày lớn có thể cho những chủ thể tài chính khác vay nếu xảy ra tình trạng thiếu hụt. Và lãi suất áp dụng cho khoản vay này được gọi là lãi suất liên bang.
3. Federal Funds Rate có quan trọng không?
Có thể nói Federal funds rate là mức lãi cơ bản và quan trọng nhất trong thị trường tài chính của Mỹ. Nó sẽ có tác động dây chuyền đến nhiều yếu tố khác nhau không chỉ trong lĩnh vực tài chính mà còn ảnh hưởng đến nền kinh tế vĩ mô….
FFR khi được công bố sẽ có tác động đến mức lãi cơ bản. Đây là lãi mà những ngân hàng thương mại áp dụng cho người đi vay vốn. Chính vì thế mà FFR sẽ có tác động rõ rệt nhất đối với những khoản vay ngắn hạn như mua xe, vay mua bất động sản, lãi suất tín dụng…
Chính vì thế mà lãi suất liên bang luôn được những nhà đầu tư cập nhật liên tục. Đây là loại lãi suất sẽ có tác động rất lớn đến chứng khoán. Trong trường hợp Federal Funds Rate giảm nhẹ cũng mang đến sự tăng nhanh chóng của giá chứng khoán. Chính vì thế việc phân tích thị trường chứng khoán cũng sẽ chịu sự tác động của những chính sách lãi suất mới.
4. Thành phần cuộc họp để xác định FFR
Theo đó cục dự trữ Mỹ sẽ có trách nhiệm đưa ra những chính sách để hướng nền kinh tế đi đúng mục tiêu đặt ra. Đảm bảo cho thị trường có mức giá ổn định, mức tăng trưởng tốt. Để có thể thực hiện được việc này, FED đã thành lập ra cơ quan FOMC với sự góp mặt của Thống Đốc và chủ tính của các ngân hàng.
Để có thể đưa ra được chính sách tiền tệ phù hợp cho từng giai đoạn. FOMC tổ chức tổng cộng 8 cuộc họp mỗi năm và những cuộc họp khẩn nếu cần thiết để có thể điều tiết tốt nền kinh tế. Tại cuộc họp này FOMC sẽ tiến hành thống nhất mức Federal funds rate. Cũng như khả năng tăng giảm lãi suất qua từng thời kỳ.
5. FOMC hiệu chỉnh Federal Funds Rate như thế nào?
Sự tác động của FFR là quá rõ ràng khi đã nêu ra ở phía trên. Vậy câu hỏi đặt ra đó là làm thế nào để điều chỉnh được mức lãi suất có lợi nhất cho thị trường Mỹ?
Một tổ chức chuyên đo lường và đưa ra những chính sách tiền tệ cho hệ thống ngân hàng liên bang đó là FOMC. Theo đó cơ quan này sẽ mở một cuộc họp định kỳ hàng năm để bàn và xác định mức lãi suất FFR.
Federal Funds Rate sẽ được đưa ra dựa trên sự điều chỉnh của lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp, dòng tiền và những vấn đề khác có liên quan. FOMC sẽ đưa ra mức lại suất cơ bản quy định những ngân hàng đó phải đảm bảo. Tuy nhiên, mức lãi đó sẽ không buộc các ngân hàng, tổ chức tài chính phải áp dụng đúng như mức lãi công bố.
Tuy FOMC không buộc những tổ chức tài chính phải áp dụng đúng mức lãi công bố. Tuy nhiên trong thực tế, cục dự trữ có thể điều chỉnh lãi suất dao động trong khoảng mong muốn bằng cách điều chỉnh lượng tiền có mặt trong lưu thông để có thể gián tiếp đạt được mục đích. Điều này cũng khá dễ hiểu khi lượng cung tiền trong lưu thông tăng sẽ dẫn đến việc lãi suất có xu hướng giảm và ngược lại.
6. Federal funds rate thay đổi do đâu?
Trong quá trình đưa ra Federal funds rate, mục tiêu hàng đầu mà Cục Dự Trữ quan tâm đó là kìm hãm lạm phát ở mức độ hợp lý(2%). Lạm phát sẽ có tác động cụ bộ lên giá cả của toàn thị trường. Lạm phát chính là nguyên nhân khiến FFR phải thay đổi liên tục theo từng thời kỳ.
Trong trường hợp lạm phát nằm ở mức quá cao, FOMC sẽ thực hiện tăng lãi suất. Động thái này sẽ khiến cho lượng tiền trong lưu thông giảm xuống, vay vốn từ người dân và doanh nghiệp cũng vì thế mà ít hơn. Tiêu dùng trong thị trường sẽ chậm lại và đưa giá cả hàng hóa giảm.
Trong trường hợp lạm phát của nền kinh tế có dấu hiệu giảm, điều này cho thấy thị trường đang tiết kiệm, suy thoái kinh tế diễn ra. FOMC sẽ thực hiện việc giảm lãi suất để gia tăng những hoạt động tiêu dùng, sử dụng vốn, người đầu tư, doanh nghiệp sẽ đi vay vốn kích thích tăng trưởng cho nền kinh tế.
7. Bài học từ những lần công bố Federal funds rate
Quan sát thống kê dưới đây để thấy được sự liên hệ của Fed funds rate với mức độ lạm phát trong khoảng thời gian từ 2002 đến 2019. Mặc dù, việc đo lường này không chính xác một cách tuyệt đối nhưng nó phản ánh được mức độ tác động qua lại của hai yếu tố lãi suất công bố và mức độ điều chỉnh lạm phát.
Dựa vào lãi suất trải qua từng thời kỳ và sự ảnh hưởng qua lại của Federal funds rate với lạm phát. Ta có thể thấy sự sụt giảm lãi suất rất lớn gần như về không trong 2 năm 2007 đến 2009. Điều này xảy ra chính vì sự kiện khủng hoảng tài chính thế giới tại thời điểm 2008 khiến cho những hoạt động tiêu dùng, kinh tế ở mức hạn chế.
Kể từ năm 2016 trở đi, cả lãi suất và mức độ lạm phát đã có những dấu hiệu tính cực hơn khi thị trường tài chính đã có dấu hiệu phục hồi trở lại khi tiêu dùng và đầu tư bắt đầu đi lên. Từ đó cho đến nay FED đã có những động thái tăng lãi suất trở lại sau những lần giảm gần đây nhất vào năm 2009.
Có thể nói Federal funds rate chính là mức lãi suất cơ bản được công bố nhằm để điều chỉnh thị trường phát triển theo hướng có lợi nhất cho Mỹ. Thời điểm công bố FFR sẽ tạo ra nhiều tác động cho nền kinh tế thế giới theo góc độ vĩ mô.